Khởi nghiệp là xu thế tất yếu và ưu tiên của các quốc gia trên thế giới, bởi khởi nghiệp là dòng chảy để phát triển kinh tế, dòng chảy này truyền sức sống và sự sáng tạo vào các ngành công nghiệp và dịch vụ đã có, tạo ra thị trường mới và thúc đẩy tạo ra thêm việc làm. Start-up Visa Canada chính là ví dụ điển hình.
Khởi nghiệp là dòng chảy để phát triển kinh tế
Khởi nghiệp là xu thế tất yếu và ưu tiên của các quốc gia trên thế giới, bởi khởi nghiệp là dòng chảy để phát triển kinh tế, dòng chảy này truyền sức sống và sự sáng tạo vào các ngành công nghiệp và dịch vụ đã có, tạo ra thị trường mới và thúc đẩy tạo ra thêm việc làm. Chính phủ của các quốc gia phát triển đều có những chính sách khuyến khích khởi nghiệp. Không những kêu gọi người dân trong nước, các quốc gia lớn như: Anh, Canada, Pháp, Thụy Sỹ, Bồ Đào Nha,… còn ban hành các chính sách định cư thông qua hình thức khởi nghiệp để thu hút các nhân tài nước ngoài. Một trong những chương trình định cư khởi nghiệp nhận được đông đảo sự quan tâm và tham gia của nhiều nhà đầu tư trên thế giới chính là Start-up Visa Canada (SUV) – chương trình định cư khởi nghiệp lấy thẳng quyền thường trú nhân Canada vĩnh viễn (PR) cho cả gia đình.
Khác với các chương trình đầu tư thụ động vào dự án phát triển hay đầu tư bất động sản, với chương trình SUV, các nhà đầu tư sẽ tham gia vào quá trình phát triển một doanh nghiệp khởi nghiệp, đòi hỏi các nhà đầu tư cần hiểu rõ các thông tin xoay quanh vấn đề khởi nghiệp từ việc hình thành ý tưởng, thành lập doanh nghiệp, các giai đoạn phát triển, các tổ chức đầu tư,…
1. Start-up là gì?
“Start-up” là cụm từ đề cập đến những công ty trẻ, đang ở giai đoạn đầu của việc phát triển kinh doanh. Các công ty này được thành lập để phát triển hoặc cải tiến một sản phẩm, dịch vụ hoặc công nghệ mới, chưa từng có trên thị trường, nhằm giải quyết một nhu cầu hay vấn đề trên thị trường.
Công ty khởi nghiệp thường chưa có doanh thu hoặc doanh thu thấp, nhưng cần nhiều chi phí nghiên cứu, và phát triển sản phẩm trong thời gian dài. Do đó, start-up thường có sự đồng hành của các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp và các tổ chức đầu tư.
2. Quá trình start-up
Ý tưởng
Trong giai đoạn này, start-up mới chỉ là một ý tưởng mới, sáng tạo và có thể đáp ứng nhu cầu hoặc giải quyết một vấn đề nào đó chưa có giải pháp trên thị trường.
Sản phẩm cơ bản (Minimum Viable Product – MVP)
Sau khi thực hiện các nghiên cứu khảo sát trên thị trường và xác định nhu cầu này là có thật trên thị trường và hiện tại vẫn chưa có giải pháp, start-up sẽ bắt tay vào việc xây dựng sản phẩm hoặc dịch vụ cơ bản (MVP) và thử nghiệm chúng trên thị trường. Mục tiêu chính của MVP là kiểm tra xem thị trường sẽ đón nhận giải pháp này như thế nào. Từ đó, Start-up phải có sự linh hoạt và nhanh chóng thích ứng với phản hồi của người dùng để có những điều chỉnh hợp lý và hoàn thiện sản phẩm của mình.
Mức độ phù hợp với thị trường (Product – Market fit)
Đây là giai đoạn quyết định sự thành công của một start-up, khi đánh giá mức độ tương thích giữa sản phẩm và nhu cầu thị trường. Khi start-up đạt được Product-Market Fit, sản phẩm hoặc dịch vụ sẽ được đón nhận, công ty sẽ tăng trưởng nhanh chóng, và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.
Tiếp cận thị trường (Go-to-market)
Sau khi đã xác định được sản phẩm phù hợp với thị trường, điều đó có nghĩa là giải pháp của start-up chính là thứ mà thị trường mục tiêu đang cần. Bước tiếp theo của start-up chính là xác định chiến thuật tốt nhất để đưa sản phẩm hoặc dịch vụ của mình đến với khách hàng và chuyển đổi càng nhiều người càng tốt từ thị trường tiềm năng đó. Mục tiêu là xác định các kênh tiếp thị và bán hàng, giá cả và chiến lược giữ chân khách hàng. Nếu có chiến lược tiếp cận thị trường phù hợp, công ty khởi nghiệp có thể tạo ra doanh thu, có thể mở rộng và sinh lời.
Tăng trưởng
Tại giai đoạn này, doanh nghiệp start-up sẽ mở rộng quy mô hơn, đồng thời có thể thâm nhập vào các phân khúc và khu vực địa lý mới. Start-up sẽ cần thêm nhiều vốn, nhưng vì đã chứng minh được hiệu quả nên sẽ dễ dàng huy động hơn trước.
3. Các tổ chức đầu tư huy động vốn
Để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, việc huy động vốn và tìm kiếm sự cố vấn từ các chuyên gia là một trong những bước quan trọng và thách thức nhất đối với các start-up. Để đảm bảo tính khả thi của những ý tưởng đột phá, chương trình Start-up Visa (SUV) Canada yêu cầu nhà đầu tư phải có được thư chấp thuận hỗ trợ cho ý tưởng khởi nghiệp của mình từ một trong ba tổ chức chỉ định gồm: Quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital), Nhà đầu tư thiên thần (Angel Investor), hoặc Incubator (Vườn ươm doanh nghiệp). Đây cũng là ba tổ chức đầu tư phổ biến mà các công ty khởi nghiệp thường kêu gọi vốn và kêu gọi hỗ trợ hiện nay.
Việc xác định loại hình tổ chức đầu tư nào phù hợp với công ty khởi nghiệp sẽ phụ thuộc vào tình hình phát triển cụ thể của công ty và mục đích tìm kiếm nguồn vốn đầu tư.
Venture Capital (Quỹ đầu tư mạo hiểm)
Quỹ đầu tư mạo hiểm, hay còn được gọi là “Venture Capital” (VC), là các tổ chức chuyên nghiệp, có quỹ hoạt động lớn và chuyên đầu tư vốn để sở hữu cổ phần trong các start-up có tiềm năng phát triển nhanh và có khả năng sinh lời cao trong tương lai. Những quỹ này có xu hướng thực tế hơn các loại hình đầu tư khác, nên họ chủ yếu đầu tư vào các công ty khởi nghiệp sau khi thấy được tiềm năng tăng trưởng đã được chứng minh trên thị trường. Đổi lại, các khoản đầu tư sẽ rất lớn, và các quỹ sẽ đóng vai trò tích cực trong việc giúp công ty phát triển thông qua việc tham gia vào quản lý chiến lược và đưa ra các quyết định kinh doanh.
Angel Investor (Nhà đầu tư thiên thần)
Nhà đầu tư thiên thần, hay còn gọi là “Angel Investor” là những cá nhân giàu có hoặc doanh nhân có kinh nghiệm đầu tư vốn của chính họ vào các công ty khởi nghiệp. Họ có xu hướng chấp nhận rủi ro cao hơn các nhà đầu tư khác nên thường đầu tư vào các công ty ở giai đoạn ý tưởng, giai đoạn cấp vốn ban đầu, có ý tưởng phù hợp với sở thích và kinh nghiệm, chuyên môn của họ, để đổi lấy vốn sở hữu trong công ty. So với các nhà đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần có thể đầu tư số tiền nhỏ hơn nhưng trong thời gian dài hơn, và không đòi hỏi nhiều quyền kiểm soát trong doanh nghiệp.
Incubator (Vườn ươm doanh nghiệp)
Incubator hay Vườn ươm doanh nghiệp là một loại tổ chức hoặc chương trình hỗ trợ được thiết kế để thúc đẩy sự phát triển của các start-up ở giai đoạn đầu – khi start-up chỉ mới có ý tưởng sơ khai và chưa có mô hình kinh doanh rõ ràng. Các vườn ươm doanh nghiệp giúp “nuôi dưỡng” công ty khởi nghiệp sẽ phát triển ý tưởng thành sản phẩm khả thi bằng cách cung cấp các nguồn lực về tài nguyên như không gian văn phòng, cơ hội cố vấn, chương trình đào tạo kinh doanh, các sự kiện kết nối cộng đồng, và sự hỗ trợ tham vấn từ các chuyên gia trong ngành.
Trong suốt quá trình “ươm tạo”, các công ty khởi nghiệp sẽ tham gia các buổi học, buổi đào tạo, qua đó được thúc đẩy để cải thiện ý tưởng của mình và học cách truyền đạt kế hoạch của mình tới khách hàng cũng như các nhà đầu tư tiềm năng. Các vườn ươm thường hoạt động trên cơ sở thu phí thay vì sở hữu cổ phần trong công ty khởi nghiệp.
Theo IMM Group
Tìm hiểu thêm: Chương trình định cư Canada mới cho ngành Du lịch và Nhà hàng – Khách sạn của Alberta năm 2024